TỔNG QUÁT * VỊ TRÍ ĐOẠN THƠ

2. Phân tích a. Tổng quát * Vị trí đoạn thơ: Toàn bộ bài Việt Bắc gồm 150 dòng thơ, chia làm hai phần. Đoạn thơ này nằm ở phần một. Sau những dòng thơ khẳng định tình cảm gắn bó của người đi dành cho kẻ ở, người ra đi tiếp tục thể hiện sự gắn bó ấy bằng những dòng thơ hoài niệm sâu lắng, thiết tha về cảnh và người Việt Bắc. * Khái quát giá trị nổi bật của đoạn thơ: Đoạn thơ được coi là bức tứ bình khắc họa thiên nhiên và con người Việt Bắc trong bốn mùa. Ngòi bút Tố Hữu đã gợi tả thật tinh tế vẻ đẹp đặc trưng của cảnh và người vùng đất này. b. Cảm nhận về hình tượng thiên nhiên và hình tượng con người Việt Bắc trong đoạn thơ: * Cấu trúc độc đáo của đoạn thơ: - Cặp lục bát mở đầu vừa như lời ướm hỏi ý nhị Ta về mình có nhớ ta lại vừa như một lời khẳng định trìu mến Ta về ta nhớ những hoa cùng người: ta gắn bó với mình bằng việc khắc ghi trong tâm khảm những gì đẹp nhất của Việt Bắc là hoa và người. - Bốn cặp lục bát còn lại, mỗi cặp là một nét chấm phá, gợi tả chân thực, sống động về cảnh và người Việt Bắc trong một mùa. Trong từng cặp, dòng lục là nét đẹp về hoa, dòng bát là nét khắc chạm về người. Vẻ đẹp của cảnh làm phông, nền để tôn lên vẻ đẹp của người – hình tượng trung tâm của Việt Bắc. * Vẻ đẹp của hình tượng thiên nhiên và con người Việt Bắc trong đoạn thơ: - Mùa đông Việt Bắc trong cái nhìn bao quát: Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi/ Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng: + Thiên nhiên Việt Bắc dần hiện lên bởi sắc xanh mênh mông đặc trưng của một vùng rừng núi. Trên nền xanh ấy thấp thoáng sắc đỏ tươi của hoa chuối. Sắc hoa như làm sáng bừng, ấm áp một vùng không gian Việt Bắc. + Hình ảnh con người xuất hiện với tư thế thật vững chãi, tự tin, tự chủ. - Bức tranh Việt Bắc vào xuân trong cặp lục bát tiếp theo Ngày xuân mơ nở trắng rừng/ Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang: + Dòng lục tả hoa xuân trong cái nhìn toàn cảnh kết hợp cái nhìn cận cảnh. Nhịp chẵn truyền thống 2/2/2 của thơ lục bát như đang hòa điệu tài tình với nhịp đi nhẹ nhàng của thời gian: mỗi nhịp thơ là một nhịp đi của thời gian, theo đó, từng cánh hoa mơ nở dần làm cho sắc trắng thanh khiết, tinh khôi của hoa cứ lan dần, mở rộng ra để rồi bất chợt phủ kín cả không gian núi rừng. Hai chữ trắng rừng để lại ấn tượng về vẻ đẹp thật thi vị đồng thời làm cho cảnh xuân thêm sinh động. + Hình ảnh con người Việt Bắc trong công việc bình dị, thầm lặng đan nón. Hai chữ chuốt từng vừa gợi tả dáng điệu, tâm thế lao động cần mẫn vừa gợi niềm khâm phục bàn tay tài hoa của những con người lao động. - Khung cảnh Việt Bắc sang hè được ghi lại trong cặp lục bát đặc sắc Ve kêu rừng phách đổ vàng/ Nhớ cô em gái hái măng một mình: + Nhà thơ thấy vọng lên trong kí ức âm thanh rất đỗi quen thuộc Ve kêu rừng phách đổ vàng.Tiếng ve ngân lên lập tức rừng phách chuyển sang màu vàng. Cảnh hè Việt Bắc trở nên sôi động mà thật thơ mộng. + Nhà thơ phác họa hình ảnh cô em gái hái măng một mình tần tảo – bản tính truyền thống của người lao đông. - Mùa thu Việt Bắc hiện lên bằng nét vẽ Rừng thu trăng rọi hòa bình/ Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung: + Thiên nhiên Việt Bắc khi đêm về thật nên thơ trong trẻo bởi ánh sáng trăng thu. + Con người Việt Bắc trong cảnh thu này được gợi tả với âm thanh đầy ý nghĩa tiếng hát ân tình thủy chung. Đó là tình cảm gắn bó thủy chung cách mạng của người Việt Bắc. - Điệp từ nhớ xuất hiện 5 lần đem đến cho đoạn thơ giọng hồi tưởng sâu lắng, tha thiết, làm nổi bật cảm hứng chủ đạo của toàn bài. Cách xưng hô mình- ta gia tăng chất giọng tâm tình ngọt ngào, thương mến khiến nỗi nhớ trong lòng người đi càng bồi hồi, xao xuyến.