TUYỆT ĐỐI KHÔNG ĐỂ CÂU TRẢ LỜI NÀO CHƯA TÔ. PHƯƠNG PHÁP CHUNG - NGU...

6. Tuyệt đối không để câu trả lời nào chưa tô. Phương pháp chung - Nguyên tắc 1: sử dụng một kỹ thuật tính cho nhiều kiểu toán vật lý khác nhau. Ví dụ cụ thể: kỹ thuật dùng giản đồ vectơ quay có thể sử dụng trong dao động điều hòa, sóng cơ học, điện xoay chiều... - Nguyên tắc 2: ghi nhớ các vị trí hoặc một dấu hiệu đặc biệt của một bài toán tổng quát, từ đó giải quyết các câu hỏi tương tự cho yêu cầu của bài toán. - Nguyên tắc 3: Thuộc các công thức rút gọn nhưng phải hiểu và nắm rõ cách dẫn ra công thức đó và những giới hạn khi áp dụng các công thức đó. Tránh học thuộc lòng và áp dụng một cách máy móc. - Nguyên tắc 4: Càng suy nghĩ trực tiếp trên câu hỏi đề, tránh sa đà vào các công thức thì sẽ giải quyết càng nhanh câu hỏi trắc nghiệm. Ví dụ cụ thể: Quấn máy biến áp, dự định số vòng dây cuộn sơ gấp hai lần số vòng dây cuộn thứ, do sơ suất quấn thiếu một số vòng, dùng volt kế đo tỉ số điện áp giữa cuộn thứ và cuộn sơ thấy tỉ số là 0,43, quấn thêm vào cuộn thứ 24 vòng thì tỉ số này là 0,45. Để đúng theo dự định thì phải quấn thêm vào cuộn thứ bao nhiêu vòng? (ĐH 2011) Ta thấy dự định là 0,5 mà quấn thêm 0,02 thành 24 vòng suy ra 0,01 là 12 vòng, bây giờ từ 0,45 thành thành 0,5 phải quấn thêm 0,05 nữa tức là thêm 5×12 = 60 vòng. Ta thấy bài toán được giải trực tiếp không cần công thức máy biến áp. - Nguyên tắc 5: Khi tham khảo các cách giải câu trắc nghiệm, các cách giải đòi hỏi biến đổi phức tạp cồng kềnh sẽ không có giá trị tham khảo, cần giải lại sao cho cách làm ngắn nhất phù hợp với kiểu thi trắc nghiệm. Những sai sót thường gặp - Học sinh thường hay học thuộc máy móc các công thức, áp dụng máy móc mà không hề hiểu các hiện tượng vật lý đi kèm, con đường dẫn ra các công thức đó, hay giới hạn sử dụng các công thức đó, nên khi áp dụng sẽ dễ dàng dính “bẫy” trong các câu hỏi. - Học sinh thiếu kỹ năng đọc hiểu câu hỏi vật lý như đọc không kỹ, nhận định sai, gây hiểu lầm cho đến kết quả không đúng hoặc không giải được câu hỏi. - Học sinh thiếu kỹ năng tính toán cụ thể, không sử dụng tốt máy tính, dẫn đến làm chậm hay làm sai. Luyện tập như thế nào khi ôn tập? - Học kỹ bất kỳ một công thức áp dụng nào, đặc biệt là các công thức dẫn xuất từ các bài tập luyện tập, nên viết lại thành một đoạn ngắn vào sổ tay luôn đem theo, xem lại khi cần. - Luyện tập với các đề tham khảo hàng ngày. Kỹ năng chỉ đến khi chăm chỉ thực hành, có thể làm ngắn 20 câu 25 phút cho mỗi lần thực hành, là phân nửa thời gian và số câu cho của đề thi chính thức. Gần đến ngày thi hãy luyện tập với một đề 40 câu đầy đủ. Làm chuyên cần với mọi trạng thái sức khỏe và tinh thần, không gì đảm bảo đến ngày thi bạn sẽ có thể lực và tinh thần tốt nhất, nên chuẩn bị trước để có thể làm bài với mọi tình huống. - Không bỏ qua các câu khó, đây là thói quen không nên có khi học thi trắc nghiệm, có xu hướng chọn đại kết quả, phải cố gắng làm và hiểu được phần thưởng sẽ đến với bạn. - Cuối cùng, đây là kì thi “cái chết bất ngờ”, dù bạn học giỏi 12 năm, nhưng trong 50 phút làm bài bạn làm không tốt thì không gì cứu vãn nổi, nên mọi chuẩn bị từ bây giờ chỉ để tránh sai sót trong 50 phút đó. Không sợ sai lầm, không sợ khó khi học ôn thi, thì khi thi bạn sẽ ít sai sót nhất và sẽ có số điểm tốt.