CƠ SỞ TÂM LÍ HỌC VÀ GIÁO DỤC HỌC CỦA GIÁO DỤC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG CHO TRẺ Ở CẤP ĐỘ TIỂU HỌC TUỔI VÀO TIỂU HỌC LÀ GIAI ĐOẠN RẤT QUAN TRỌNG TRONG CUỘC ĐỜI CỦA HỌC SINH

1.3. Cơ sở tâm lí học và giáo dục học của giáo dục bảo vệ môi trường cho trẻ ở cấp độ tiểu học Tuổi vào tiểu học là giai đoạn rất quan trọng trong cuộc đời của học sinh. Chính trong giai đoạn này các bạn phát triển rất nhanh cả về thể chất, tình cảm và trí tuệ, hình thành và phát triển mạnh mẽ những năng lực khác nhau, đặt cơ sở nền móng cho phát triển nhân cách của chúng. Nhà giáo dục Nga vĩ đại K.D. Usinxki đã nhấn mạnh sự cần thiết cho học sinh làm quen với môi trường thiên nhiên, phát triển các kĩ năng quan sát các hiện tượng thiên nhiên ngay từ khi còn rất nhỏ. Sự tiếp xúc sớm nhất của học sinh với thiên nhiên giúp cho việc giáo dục quan niệm đúng đắn đối với môi trường, khả năng đánh giá hiện trạng của môi trường. Giáo dục học sinh thái độ trân trọng, bảo vệ và giữ gìn đối với rừng, con vật, thực vật, mong muốn phát triển tài nguyên thiên nhiên là đòi hỏi tất yếu của GDMT. Nhiều nhà giáo dục học tiểu học đã nêu lên: một trong những mục tiêu giáo dục học sinh ở lứa tuổi tiểu học là hình thành ở các em những cơ sở văn hoá của môi trường. Bởi vì trong giai đoạn này học sinh tích luỹ các ấn tượng cảm xúc, các hình ảnh và biểu tượng rực rỡ đầu tiên về thiên nhiên, đặt nền tảng cho quan hệ và thái độ đúng đắn với môi trường xung quanh và định hướng đúng trong môi trường đó. Các nghiên cứu tâm lí - giáo dục đã chứng minh khả năng hiểu các mối quan hệ qua lại và sự phụ thuộc trong thiên nhiên của học sinh tiểu học. Sự hiểu biết các mối quan hệ khác nhau trong thiên nhiên góp phần phát triển trí tuệ, phát triển năng lực phân tích trong hoàn cảnh sinh thái của học sinh. Các yếu tố của sự tác động qua lại giữa con người và thiên nhiên có ý nghĩa to lớn trong GDBVMT cho học sinh. Trước hết đó là việc cho các em làm quen với các hoạt động thực tiễn khác nhau 8 của con người trong thiên nhiên, hoạt động BVMT (trồng rừng, bảo vệ rừng, bảo vệ các động vật quý hiếm; bảo vệ giữ gìn cây, con, hoa quả; giữ gìn và bảo vệ các nguồn nước...); làm quen với các cảnh đẹp trong thiên nhiên, các di tích văn hoá - lịch sử, viện bảo tàng, đồng thời hướng sự chú ý của học sinh đến các tác động tốt cũng như không tốt của con người đối với thiên nhiên, những khó khăn về môi trường nơi mà các bạn đang sống (bụi, tiếng ồn, nước bị ô nhiễm...) Trong các hoạt động nhận thức, hoạt động lao động, hoạt động mĩ thuật, nội dung GDBVMT bao gồm cả việc giáo dục các chuẩn mực đánh giá, giúp học sinh nhận thức được giá trị đặc biệt quý báu của thiên nhiên. Một trong những biểu hiện quan trọng của thái độ quan tâm đến thiên nhiên là mong muốn tham gia vào việc chăm sóc vật nuôi, cây trồng. Trong khi chăm sóc chúng, học sinh hiểu được các nhu cầu của động - thực vật (thức ăn, nước, ánh sáng, không khí, độ ẩm...). Chúng hiểu được rằng để mọi cơ thể sống được, lớn lên và phát triển, các điều kiện sống của chúng phải được thoả mãn. Chính trong quá trình đó, học sinh hiểu một cách trực quan sự phụ thuộc của vật nuôi, cây trồng vào lao động của con người. Trong lao động, các em vui sướng vì được giúp cho vật nuôi, cây trồng lớn lên và phát triển. Lao động trong MT là một phương tiện giáo dục quan trọng để hình thành và phát triển ở học sinh ý thức bảo vệ thiên nhiên trong điều kiện tự lực và tích cực. Lao động cải tạo MT xung quanh cùng với người lớn (trồng cây, làm vệ sinh) có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Học sinh tiểu học cần được tham gia vào các hoạt động BVMT như: trồng cây, thu dọn rác, chăm sóc và bảo vệ động, thực vật. Sự tham gia vào các hoạt động chung giữa các cơ sở như trường tiểu học, công ty cây xanh và MT tạo cho các bạn cơ hội hợp tác với những bạn cùng tuổi, khác tuổi và người lớn trong hoạt động BVMT. Những cảm xúc thẩm mĩ (tốt - xấu; thiện - ác; đẹp - xấu) phù hợp với lứa tuổi tiểu học. Do đó, trong GDMT cho học sinh cần phải chú ý đến các khía cạnh thẩm mĩ và đạo đức. Cái đẹp và tình cảm, đạo đức cao đẹp trong quan hệ với MT là các mặt không tách rời nhau. Phát triển cảm xúc thẩm mĩ trong quan hệ với thiên nhiên 9 liên quan chặt chẽ với phát triển trí tuệ. Các nhà tâm lí - giáo dục đã chỉ ra rằng không có cảm xúc thẩm mĩ trong khi tri giác thiên nhiên thì không thể có nhận thức bản chất của các hiện tượng thiên nhiên và không thể tiếp nhận chúng một cách trọn vẹn. Học sinh tiểu học có thể hiểu được các quy tắc, chuẩn mực cũng như các hạn chế, cấm đoán có tính chất GDBVMT. Nhận thức của các bạn về các chuẩn mực trong quan hệ với MT thể hiện ở các nhận xét, các lựa chọn hành vi đạo đức trong các tình huống xảy ra trong cuộc sống. Do đó cần phải cho học sinh làm quen với các quy tắc giữ gìn, BVMT, giáo dục các bạn biết sử dụng và tận dụng các tài nguyên thiên nhiên, không gây đau đớn cho con vật, cây cối, không phá hỏng sự trọn vẹn của thiên nhiên và các điều kiện sống của động, thực vật. Trên cơ sở đó, học sinh sẽ dần dần nắm được hệ thống các kĩ năng hành động và các quy tắc hành vi trong môi trường. Học sinh tiểu học là nhà nghiên cứu theo bản năng tự nhiên. Chúng ta cần phải khuyến khích tính tò mò, khám phá của các em trong MT thiên nhiên. Vai trò của người lớn là tạo điều kiện thuận lợi và chỉ dẫn các em thực hiện các khám phá hơn là cho chúng những câu trả lời hoặc kiểm soát chúng. Hãy bắt đầu tìm hiểu các em đã biết gì, tò mò cái gì, làm gì để duy trì hứng thú của chúng. Bằng cách đó chúng ta giúp học sinh thử nghiệm với khả năng của mình và tham gia tích cực vào quá trình đó. Các nhà khoa học đã chứng minh rằng lứa tuổi tiểu học thường học thông qua hoạt động, qua chia sẻ với người lớn và bạn bè. Cảm xúc và tình cảm là một phần quan trọng của việc học tập của chúng. (Sở giáo dục và đào tạo tỉnh Hải Dương, 2010)