TÍNH CHẤT CỦA CÁC MỐI LIÊN HỆ PHỔ BIẾN A) TÍNH KHÁCH QUAN. PHÉP BIỆ...

2) Tính chất của các mối liên hệ phổ biến a) Tính khách quan. Phép biện chứng duy vật khẳng định tính khách quan của các mối liên hệ, tác động của bản thân thế giới vật chất. Có mối liên hệ, tác động giữa các sự vật, hiện tượng vật chất với nhau. Có mối liên hệ giữa sự vật, hiện tượng và cái tinh thần. Có cái liên hệ giữa những hiện tượng tinh thần với nhau, như mối liên hệ và tác động giữa các hình thức của quá trình nhận thức. Các mối liên hệ, tác động đó, suy cho đến cùng, đều là sự phản ánh mối liên hệ và sự quy định lẫn nhau giữa các sự vật, hiện tượng của thế giới khách quan. b) Tính phổ biến. Mối liên hệ qua lại, quy định, chuyển hoá lẫn nhau và tách biệt nhau không những diễn ra ở mọi sự vật, hiện tượng trong tự nhiên, trong xã hội, trong tư duy, mà còn diễn ra đối với các mặt, các yếu tố, các quá trình của mỗi sự vật, hiện tượng.c) Tính đa dạng, phong phú. Có nhiều mối liên hệ. Có mối liên hệ về mặt không gian và cũng có mối liên hệ về mặt thời gian giữa các sự vật, hiện tượng. Có mối liên hệ chung tác động lên toàn bộ hay trong những lĩnh vực rộng lớn của thế giới. Có mối liên hệ riêng chỉ tác động trong từng lĩnh vực, từng sự vật và hiện tượng cụ thể. Có mối liên hệ trực tiếp giữa nhiều sự vật, hiện tượng, nhưng cũng có những mối liên hệ gián tiếp. Có mối liên hệ tất nhiên, cũng có mối liên hệ ngẫu nhiên. Có mối liên hệ bản chất cũng có mối liên hệ chỉ đóng vai trò phụ thuộc (không bản chất). Có mối liên hệ chủ yếu và có mối liên hệ thứ yếu v.v chúng giữ những vai trò khác nhau quy định sự vận động, phát triển của sự vật, hiện tượng. Do vậy, nguyên lý về mối liên hệ phổ biến khái quát được toàn cảnh thế giới trong những mối liên hệ chằng chịt giữa các sự vật, hiện tượng của nó. Tính vô hạn của thế giới khách quan; tính có hạn của sự vật, hiện tượng trong thế giới đó chỉ có thể giải thích được trong mối liên hệ phổ biến, được quy định bằng nhiều mối liên hệ có hình thức, vai trò khác nhau.