TRIỂN KHAI VẤN ĐỀ NGHỊ LUẬN

3. Triển khai vấn đề nghị luận:

Cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp dẫn chứng và lí lẽ.

a. Giới thiệu ngắn gọn về tác giả, tác phẩm (0,5 điểm):

Hồ Xuân Hương đuợc mệnh danh là bà Chúa thơ Nôm. Thơ của Hồ Xuân Hương vừa

trào phúng, vừa trữ tình, vừa thanh, vừa tục, là tiếng nói tâm hồn của người phụ nữ tài

sắc mà bạc mệnh, khát khao đòi quyền sống, tự do, bình đẳng, quyền hưởng tình yêu

và hạnh phúc. “Tự tình II” là một trong ba bài thơ thuộc chùm thơ “Tự tình” thể hiện

nỗi đau đớn, buồn tủi về duyên phận và khát khao hạnh phúc mãnh liệt của Hồ Xuân

Hương. Tú Xương là nhà thơ của thành Nam, là nhà thơ trào phúng – trữ tình lớn của

nước ta cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX. “Thương vợ” là một trong những bài thơ hay

nhất mà Tú Xương viết về vợ của mình ngay khi bà còn sống.

b. Cảm nhận về hình ảnh người phụ nữ thời xưa qua hai bài thơ (2 điểm)

CHÚ Ý

- Hình ảnh người phụ nữ trong bài thơ Tự tình: cô đơn, đau khổ, bẽ bàng duyên

phận, khát khao hạnh phúc mãnh liệt

- Hình ảnh người phụ nữ trong bài thơ Thương vợ: vất vả, cay đắng, đảm đang,

chung thủy, hết lòng hi sinh vì gia đình.

- Sự tiếp nối ở nhân vật người đàn bà hàng chài: người phụ nữ của xã hội hiện đại;

giàu lòng vị tha, đức hi sinh, giàu tình yêu thương; tần tảo, lam lũ.

Có thể cảm nhận theo nhiều cách nhưng về cơ bản, cần đáp ứng những nội dung sau:

- Hình ảnh người phụ nữ trong bài thơ “Tự tình” - Hồ Xuân Hương:

+ Khái quát về bài thơ:

Thơ của Hồ Xuân Hương là những lời than thân từ nỗi niềm riêng của một cá thể, chất

chứa những vấn đề mang tầm phổ quát của thân phận người phụ nữ. Hay nói cách

khác, bằng việc viết lên tiếng nói cá nhân, Hồ Xuân Hương làm sống lên hình ảnh

người phụ nữ Việt Nam xưa. Bài thơ Tự tình II là những nỗi niềm thầm kín, riêng tư

của tác giả thể hiện nỗi thương mình trong cô đơn, lẽ mọn, khao khát hạnh phúc tuổi

xuân, đó cũng là nỗi thương người, sự sẻ chia với bao người phụ nữ khác cùng cảnh

ngộ.

+ Bài thơ đã khắc họa hình ảnh một người phụ nữ với tâm trạng đầy âu lo, trăn trở,

với nỗi xót xa trong cảnh cô đơn lẻ loi.

Người phụ nữ đối diện với thời gian đêm khuya, không gian vắng lặng, chỉ có tiếng

trống canh. Không – thời gian gợi tâm trạng, cảm xúc của nhân vật trữ tình. Thời gian

đêm khuya cũng là thời gian tâm trạng. Nữ sĩ cảm nhận sự cô đơn trước thời gian.

Nhà thơ nghe “văng vẳng trống canh dồn”, đó không chỉ đơn thuần là cảm nhận âm

thanh mà còn là nghe thời gian trôi. Cái nhịp gấp gáp, liên hồi của tiếng trống vừa là

sự cảm nhận vừa là sự thể hiện bước đi dồn dập của thời gian và sự rối bời của tâm

trạng. Trước không gian, thời gian đó, người phụ nữ càng thấy được sự tủi hổ, bẽ

bàng của duyên phận, lại càng thêm đau xót. Ngậm ngùi mang số phận hồng nhan ra

để mà đay đả, cụm từ “cái hồng nhan” hàm nghĩa mỉa mai, chua chát. Tìm lãng quên

trong men rượu nhưng "say lại tỉnh", tỉnh ra còn đớn đau hơn. Tìm vầng trăng bầu bạn

thì chỉ thấy "bóng xế", "khuyết, chưa tròn" xoáy thêm vào sự lỡ dở, dang dở. Cuối

cùng, còn lại chỉ là một nỗi niềm ngao ngán, đắng chát khi tuổi xuân đang âm thầm

trôi qua "xuân đi" mà duyên phận vẫn bị "san sẻ", không bao giờ có được hạnh phúc.

Số phận tủi nhục, cay đắng của người phụ nữ trong bài thơ cũng là số phận chung của

biết bao người phụ nữ phải chịu cảnh lẽ mọn trong xã hội phong kiến.

+ Bài thơ cũng cho thấy bản lĩnh và ý chí Hồ Xuân Hương, cũng như khát vọng hạnh

phúc mãnh liệt không bao giờ nguôi ngoai:

Thái độ bứt phá, vùng vẫy của Hồ Xuân Hương được thể hiện qua hình ảnh thiên

nhiên, bằng những cụm từ gây ấn tượng mạnh mẽ: xiên ngang, đâm toạc. Thiên nhiên

như mang niềm phẫn uất của con người. Các động từ mạnh đi liền với bổ ngữ: xiên -

ngang, đâm – toạc nhấn mạnh sự bướng bỉnh, ngang ngạnh, sự phản kháng, đồng thời

là dấu ấn cá tính mạnh mẽ táo bạo của nữ sĩ. Bức tranh thiên nhiên ở đây luôn tràn trề

nhựa sống, nó uyển chuyển linh hoạt và tươi thắm sắc màu. Thiên nhiên trở thành

phương tiện chuyển tải tư tưởng đòi tự do, hạnh phúc cho con người.

+ Đánh giá chung: Bài thơ đã cho thấy số phận bất hạnh, cay đắng của người phụ nữ

trong cảnh lẽ mọn, tình cảm bị san sẻ trong xã hội phong kiến xưa; đồng thời khẳng

định vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ luôn bền bỉ, kiên cường, bản lĩnh và luôn mãnh

liệt khát vọng hạnh phúc.

- Hình ảnh người phụ nữ trong bài thơ "Thương vợ" - Tú Xương.

+ Khái quát bài thơ:

“Thương vợ” là bài thơ thế sự, cũng là bài thơ tâm sự, thấm đượm nghĩa yêu thương.

Bài thơ từ tấm lòng tri ân với vợ của Tú Xương đã khắc hoạ chân dung tảo tần, hết

mực vì chồng con của bà Tú.

+ Bài thơ đã thể hiện hình ảnh người phụ nữ - người vợ với gánh nặng gia đình, với

bao vất vả, lo toan của công việc bộn bề:

Câu thơ đầu tiên đã bao quát được hai chiều không gian, thời gian cùng công việc khó

khăn, nguy hiểm không một phút nghỉ ngơi của bà Tú. “Khi quãng vắng, buổi đò

đông”, những eo sèo bán buôn nhọc nhằn, bà đều phải bươn chải, vượt qua để lo cho

gia đình. Chữ “duyên” có một mà chữ “nợ” đến hai nên cả cuộc đời của bà là sự vất

vả, cơ cực, “năm nắng mười mưa”. Đó cũng là nỗi vất vả, là gánh nặng của biết bao

người phụ nữ khác trong xã hội Việt Nam xưa.

+ Bài thơ cũng tô đậm chân dung của một người phụ nữ đảm đang, chung thủy, giàu

tình yêu thương, hết lòng vì chồng con.

Bà Tú là người rất mực chăm lo cho gia đình, lo toan chu toàn mọi việc “Nuôi đủ năm

con với một chồng”. Nhà thơ đã sử dụng hình ảnh con cò trong ca dao nhưng sáng tạo

ở hàm ý thân phận “thân cò” để nói về người vợ suốt đời chăm chỉ, cặm cụi, chỉ lo

cho chồng con mà không nghĩ đến mình. Đó còn là người vợ luôn vượt lên hoàn cảnh,

không lời phàn nàn trách móc, oán hận mà giàu lòng vị tha và đức hi sinh: “Năm nắng

mười mưa dám quản công”; người vợ nhẫn nhịn, tự nguyện gánh vác “giang sơn nhà

chồng”: âu đành phận. Phẩm hạnh của bà Tú mang vẻ đẹp truyền thống của người phụ

nữ Việt Nam nghìn đời.

+ Đánh giá chung: Bài thơ nổi bật là hình ảnh bà Tú - hiện thân của cuộc đời vất vả

lận đận, là hội tụ của bao đức tính tốt đẹp: tần tảo, đảm đang, nhẫn nại... quên mình lo

toan cho cuộc sống của chồng con. Đó cũng là hình ảnh tiêu biểu cho người phụ nữ

Việt Nam xưa.

c. So sánh hình ảnh người phụ nữ trong hai bài thơ (0,5 điểm):

- Điểm giống nhau: Thể hiện số phận cay đắng, tủi nhục và khẳng định phẩm chất,

bản lĩnh của người phụ nữ Việt Nam trong xã hội phong kiến. Từ đó, có thể thấy được

giá trị nhân văn sâu sắc trong hai bài thơ.

- Khác nhau:

+ Bài thơ Tự tình II là lời thở than cho kiếp lẽ mọn, mang nỗi ngậm ngùi duyên phận.

Qua đó, bài thơ cũng phản chiếu nỗi đau khổ cũng như khát vọng hạnh phúc mãnh liệt

của một bộ phận người phụ nữ khi chịu cảnh chồng chung.

+ Bài thơ Thương vợ là lời tâm tình, thấu hiểu của nhà thơ dành cho vợ, khắc họa

hình ảnh tiêu biểu về người vợ, người mẹ Việt Nam truyền thống tần tảo, đảm đang,

giàu lòng yêu thương và đức hi sinh.

d. Sự tiếp nối vẻ đẹp của người phụ nữ xưa ở nhân vật người đàn bà hàng chài

(truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa) (0,5 điểm):

- Người đàn bà hàng chài là người phụ nữ của xã hội hiện đại, sống trong hoàn cảnh

đất nước vừa kết thúc chiến tranh, đang bước vào xây dựng cuộc sống hòa bình.

- Ở nhân vật này có sự tiếp nối vẻ đẹp của người phụ nữ xưa:

+ Đảm đang, tảo tần lo toan cho gia đình: tấm lưng áo bạc phếch, nửa thân người dưới

ướt sũng, lăn lộn cùng chồng nuôi một đàn con.

+ Giàu đức hi sinh, giàu tình yêu thương: hi sinh hết mình cho chồng, cho con; chấp

nhận bị chồng đánh để có các con có chỗ nương tựa; vui nhất khi nhìn đàn con ăn

no...

→ Vẻ đẹp tâm hồn khuất lấp, vẻ đẹp của cuộc sống đời thường và cũng mang bóng

dáng của người phụ nữ Việt Nam nghìn đời.