CÂU 2 (5,0 ĐIỂM) CÂU 2 (5,0 ĐIỂM)

3. Yêu cầu phân hóa : Liên hệ với bi kịch của nhân vật Vũ Như Tô trong đoạn trích Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài (trích vở kịch Vũ Như Tô) của Nguyễn Huy Tưởng từ đó rút ra bài học về sự ứng xử của con người khi bị rơi vào nghịch cảnh: – Cũng như nhân vật Hồn Trương Ba, nhân vật Vũ Như Tô trong đoạn trích Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài của Nguyễn Huy Tưởng cũng gặp bi kịch khi bị đẩy vào nghịch cảnh. Nhưng lựa chọn của Vũ Như Tô có sự khác biệt so với Hồn Trương Ba vì vậy mà nhân vật này không thể thoát khỏi bi kịch bế tắc. + Vũ Như Tô là một kiến tr c sư thiên tài ngàn năm chưa có một, có thể sai khiến gạch đá như ông tướng cầm quân, có thể xây những tòa lâu đài cao cả nóc vờn mây mà không hề tính sai một viên gạch…. Ông cũng là người có ước mơ hoài bão cao cả, muốn xây cho đất nước một tòa lâu đài vĩ đại bền như trăng sao, để dân ta nghìn thu còn hãnh diện… Ông còn là người có tấm lòng thiện lương biết đồng cảm với nỗi đau khổ lầm than của nhân dân nên khi Lê Tương Dực bắt xây Cửu Trùng Đài làm nơi ăn chơi sa đọa thì Vũ Như Tô đã kiên quyết cự tuyệt và chửi mắng tên hôn quân vô đạo. + Sai lầm của Vũ Như Tô là ở chỗ đã không kìm nén được khát khao nghệ thuật cháy bỏng của bản thân nên đã nghe theo lời khuyên của Đan Thiềm lợi dụng vương quyền của Lê Tương Dực xây Cửu Trùng Đài để thỏa mãn giấc mộng nghệ thuật của mình bất chấp những đau khổ, lầm than của nhân dân. Nếu quan niệm sáng tạo nghệ thuật là thực hiện mệnh lệnh của cái Đẹp và việc bảo vệ quyền sống của con người là thực hiện mệnh lệnh của cái Thiện thì Vũ Như Tô đã có một lựa chọn sai lầm là đặt cái đẹp lên trên cái thiện, vì cái đẹp mà hy sinh cái thiện. Sai lầm này đã đẩy nhân vật đến chỗ bản thân bị diệt vong, công trình bị phá hủy. Vũ Như Tô cho đến lúc chết vẫn không tự nhận xây Cửu Trùng Đài là sai lầm, ông vẫn tin là mình chính đại quang minh. Đến khi ông và Đan Thiềm bị bắt, Cửu Trùng Đài bị thiêu hủy thì ông mới bừng tỉnh: Ôi mộng lớn! Ôi Đan Thiềm! Ôi Cửu Trùng Đài!. – Nhận xét về ứng xử của con người khi bị đẩy vào nghịch cảnh: Hồn Trương Ba và Vũ Như Tô đều bị đẩy vào nghịch cảnh, Hồn Trương Ba thì không được sống là chính mình còn Vũ Như Tô thì không được thực hiện hoài bão lớn lao của cuộc đời mình. Trước nghịch cảnh đó Hồn Trương Ba đã có một sự lựa chọn dũng cảm và đầy chất nhân văn nên dù nhân vật phải chết nhưng đã giữ trọn vẹn được tâm hồn cao đẹp của mình, để lại tình yêu mến và cảm phục của mọi người. Vũ Như Tô là người nghệ sỹ tài năng và ôm hoài bão lớn lao nhưng cuối cùng đã có sự lựa chọn sai lầm là đặt khát vọng nghệ thuật của cá nhân lên trên quyền lợi trực tiếp và thiết thân của nhân dân nên không thoát khỏi bi kịch.