ĐÂY LÀ KIỂU BÀI PHÂN TÍCH NHÂN VẬT TRONG MỘT TÁC PHẨM VĂN XUÔI. DO ĐÓ...

Câu 3: Đây là kiểu bài phân tích nhân vật trong một tác phẩm văn xuôi. Do đó học sinh cần trình bày những đặc điểm của nhân vật người đàn bà hàng chài, nghệ thuật xây dựng nhân vật và ý nghĩa của hình tượng nhân vật trong tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu. Học sinh có thể trình bày vấn đề theo những cách khác nhau. Đây là một số gợi ý cần thiết : - Giới thiệu Nguyễn Minh Châu : là nhà văn tiêu biểu của thời kỳ chống Mỹ; người mở đường tinh anh của văn học Việt Nam trong thời kỳ đổi mới; nhà văn luôn ưu tư và trăn trở về những vấn đề liên quan tới số phận con người. - Giới thiệu tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa”: được sáng tác năm 1983; được in vào tập “Bến Quê” năm 1985; được tuyển in lại trong “Chiếc thuyền ngoài xa” năm 1987. - Giới thiệu nhân vật “người đàn bà hàng chài” : một trong những nhân vật chính để lại nhiều ấn tượng nơi người đọc. - Đó là một người phụ nữ lam lũ, nghèo khổ. Chị trạc ngoài bốn mươi, thô kệch, rỗ mặt, lúc nào cũng xuất hiện với khuôn mặt mệt mỏi. Ngay từ ngoại hình, người đàn bà ấy đã gợi lên ấn tượng về một cuộc đời nhọc nhằn, khắc khổ chịu đựng. Chị lại còn thường xuyên bị chồng bạo hành một cách rất tàn nhẫn: ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng. - Nhưng đó cũng là một người phụ nữ sắc sảo, thấu trãi lẽ đời. Khi cần thiết, chị cũng mạnh mẽ đương đầu để bảo vệ gia đình (thái độ của chị khi trả lời chánh án Đẩu và Phùng). Chị rất thấu hiểu hoàn cảnh của bản thân, cá tính của con người (chồng, con trai…), thiên chức của người phụ nữ, nhất là người phụ nữ sống ở trên thuyền (phải sống khác với phụ nữ ở trên đất liền)… - Chị là người giàu lòng yêu thương, vị tha và sự hy sinh. Chị thầm lặng chịu đựng mọi đớn đau, khi bị chồng đánh “ không hề kêu một tiếng, không chống trả, không tìm cách trốn chạy ”. Chị coi đó là lẽ đương nhiên, chỉ đơn giản bởi trong cuộc mưu sinh đầy cam go, trên chiếc thuyền kiếm sống ngoài biển xa cần có một người đàn ông khoẻ mạnh và biết nghề, chỉ vì những đứa con của chị cần được sống và lớn lên… Tình thương con, nỗi đau, sự thâm trầm trong việc hiểu thấu các lẽ đời “ hình như chị chẳng bao giờ để lộ rõ rệt ra bề ngoài ” và một sự cam chịu nhẫn nhục như thế thật đáng để chia sẻ, cảm thông. - Tác giả chỉ gọi chị là “ người đàn bà ” một cách phiếm định. Tuy không có tên cụ thể, một người vô danh như biết bao người đàn bà vùng biển khác, nhưng số phận con người ấy lại được tác giả tập trung thể hiện và được người đọc quan tâm nhất trong truyện ngắn này. - Đánh giá : Thấp thoáng trong người đàn bà ấy là bóng dáng của biết bao người phụ nữ Việt Nam nhân hậu, bao dung, giàu lòng vị tha, đức hi sinh. - Nhân vật người đàn bà hàng chài đã để lại trong lòng người đọc một ấn tượng sâu đậm về hình ảnh một người phụ nữ tiêu biểu cho số phận khổ đau và những phẩm chất cao quý của người phụ nữ Việt Nam. Hình tượng ấy được xây dựng một cách sống động và chắc chắn còn gợi ra nhiều suy nghĩ nơi người đọc hiện nay. Nguyễn Hữu Dương (Trung học phổ thông Vĩnh Viễn – TP.HCM)