SỰ CẦN THIẾT NGHIÊN CỨU TRONG QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI...

1. Sự cần thiết nghiên cứu Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, việc thu hồi đất để phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội như xây dựng các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu đô thị... là một tất yếu khách quan. Nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội càng lớn dẫn đến nhu cầu về thu hồi đất càng cao và trở thành thách thức lớn của mỗi quốc gia đối với các vấn đề bảo đảm an ninh lương thực, an sinh, trật tự an toàn xã hội và sinh kế của người dân. Bồi thường, hỗ trợ (BT, HT) khi Nhà nước thu hồi đất là vấn đề gây ra nhiều tranh cãi bởi nó liên quan trực tiếp đến mối quan hệ lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người có đất bị thu hồi. Việc thu hồi đất, BT, HT ngày càng xuất hiện nhiều mâu thuẫn, nguyên nhân chính là chưa giải quyết được hài hòa về sự hài lòng, thỏa mãn của người dân khi được BT, HT. Theo các nghiên cứu của Kotilainen (2011), Xinliang (2012), Oladapo and Ige (2012), mức tiền bồi thường hay sự chênh lệch giữa tiền bồi thường với giá trị thị trường của đất là yếu tố lớn dẫn đến sự không thoả mãn của những người dân; sự không thỏa mãn đã gây nên mâu thuẫn xã hội, tạo ra sự không đồng thuận của người dân trong mỗi dự án phải thu hồi đất. Theo Kakulu (2008), cộng đồng sẽ bất mãn với mức tiền bồi thường khi thu hồi đất nếu có liên quan đến cưỡng chế hoặc tranh chấp. Vấn đề thỏa mãn hay không thỏa mãn rất quan trọng trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ công và tư nhân; hậu quả của việc không thỏa mãn của người dân trong cung cấp dịch vụ rất nghiêm trọng. Hoyer and Maclnns (2001) đã chỉ ra rằng nếu người dân không được thỏa mãn với dịch vụ cung cấp thì họ có thể chấm dứt việc “sử dụng” dịch vụ này, nhưng trong các dự án thu hồi đất, có thể tạo ra việc người dân kháng cự, từ chối bàn giao mặt bằng, khiếu kiện kéo dài, làm chậm tiến độ thực hiện các dự án đầu tư. Những yếu tố chính ảnh hưởng đến sự thỏa mãn của người dân trong việc bồi thường đất là: mức bồi thường, thủ tục bồi thường và phương thức bồi thường (Wang, 2013). Một số nghiên cứu khác đã chỉ ra sự thỏa mãn trong BT, HT còn khác biệt bao gồm: đặc điểm cá nhân thu nhập; việc làm, tính gắn kết xã hội; văn hóa xã hội; cơ sở hạ tầng; dịch vụ tiện ích công cộng; môi trường tự nhiên; sức khỏe; đất đai - nhà ở; chính quyền địa phương (Qin và cộng sự, 2016; Ibem and Aduwo, 2013). Theo Kotler và cộng sự (2002), sự thỏa mãn của người dân là một cảm giác vui lòng hoặc không thỏa mãn của một người khi so sánh một hiệu suất cảm nhận được của các sản phẩm và dịch vụ với những kỳ vọng của người đó. Do đó, nếu kết quả nhận được không đáp ứng được như kỳ vọng, người dân sẽ thấy không thỏa mãn và nếu kết quả đáp ứng được như kỳ vọng, có nghĩa là người dân được thỏa mãn. Trong việc thu hồi đất, “sự không thỏa mãn” là trạng thái hay cảm giác khó chịu hoặc không bằng lòng hoặc bất mãn với mức BT, HT hoặc các quy trình được áp dụng, điều này thể hiện trạng thái không thỏa mãn với các quá trình thu hồi đất bắt buộc. Các bên có quyền lợi đối với khu đất thu hồi có thể sẽ không thỏa mãn với nhiều vấn đề. Việc người dân được hài lòng, được thỏa mãn với các dịch vụ công của Nhà nước, với chủ trương chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước là điều hết sức quan trọng. Làm cho người dân thỏa mãn sẽ tác động đến mọi mặt hoạt động của tổ chức như gia tăng hiệu quả công việc do người dân thỏa mãn sẽ có thái độ tích cực và hành vi tốt hơn. Sự thỏa mãn của người dân sẽ góp phần duy trì và ổn định trật tự xã hội. Người dân sẽ ít bị kích động từ bên ngoài, người dân sẽ đề cao lợi ích tập thể bởi khi họ muốn gắn bó là họ sẽ “chăm sóc”, “xây dựng” và “bảo vệ” ngôi nhà chung của mình. Khi người dân thỏa mãn trong BT, HT khi Nhà nước thu hồi đất, họ sẽ hợp tác và ứng xử tốt hơn với Nhà nước và chủ đầu tư dự án, họ cũng là người sẽ truyền thông chủ trương chính sách thu hồi đất, BT, HT ra bên ngoài, tác động tích cực đến các hộ gia đình khác. Ở Việt nam, với chế độ sở hữu toàn dân về đất đai do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu; Nhà nước giao đất cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng và thực hiện việc thu hồi đất trong các trường hợp cần thiết vì mục đích quốc phòng, an ninh, để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, hàng năm Việt Nam phải thu hồi diện tích lớn đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp để thực hiện các dự án phát triển công nghiệp, phát triển hạ tầng, xây dựng các khu đô thị, khu dân cư... Chính sách BT, HT khi Nhà nước thu hồi đất đã được quan tâm, xây dựng theo hướng ngày càng bảo đảm tốt hơn quyền lợi của người dân khi bị thu hồi đất như giá đất tính bồi thường được quy định theo nguyên tắc phù hợp với giá đất chuyển nhượng phổ biến trên thị trường, ngoài việc bồi thường còn được hỗ trợ đào tạo nghề, chuyển đổi nghề nghiệp tạo việc làm, hỗ trợ ổn định đời sống, sản xuất, hỗ trợ tái định cư (TĐC) tuỳ theo nguồn gốc, quá trình quản lý, sử dụng đất (Từ Điều 74 đến Điều 94 của Luật Đất đai năm 2013). Tuy nhiên, thực tế trong thời gian vừa qua việc BT, HT khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án đầu tư, kể cả các dự án lớn, dự án trọng điểm của Trung ương và địa phương vẫn chậm trễ, ách tắc, có dự án triển khai thu hồi đất trên 5, 10 năm vẫn chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng (GPMB) do người có đất bị thu hồi còn chưa đạt được sự thoả mãn về mức BT, HT, phương thức bồi thường; tổ chức thực hiện BT, HT và thoả mãn về thay đổi cuộc sống sau khi bị thu hồi đất, dẫn đến khiếu kiện, chậm bàn giao mặt bằng, làm đội vốn đầu tư, ảnh hưởng lớn đến việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư; mức độ đồng thuận của người người dân cũng có sự khác nhau theo vùng miền, trình độ học vấn, loại hình dự án khi thu hồi đất... Việc xác định và hiểu rõ thực trạng sự thỏa mãn của người dân trong việc thực hiện BT, HT khi Nhà nước thu hồi đất, sự thoả mãn theo các khía cạnh khác nhau, dẫn đến sự đồng thuận sẽ thúc đẩy tích cực tiến độ bồi thường, GPMB để thực hiện các dự án đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội và giúp cho người có đất bị thu hồi có quan điểm nhìn nhận tích cực hơn về các chính sách BT, HT cũng như cách thức tiến hành trước và sau khi thu hồi đất, sẽ góp phần làm giảm thiểu những khiếu kiện, bức xúc của người dân có đất bị thu hồi đất. Tại Việt Nam, đã có khá nhiều các nghiên cứu về sự thỏa mãn của người dân trong các lĩnh vực cung cấp dịch vụ giáo dục, y tế, sản phẩm hàng hóa... trong đó đã tập trung xây dựng các thang đo để đánh giá chất lượng dịch vụ hoặc sự hài lòng của người dân trong sử dụng các dịch vụ cụ thể. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu ứng dụng các lý thuyết, các thang đo để phân tích các yếu tố cấu thành sự thỏa mãn của người dân trong BT, HT khi Nhà nước thu hồi đất, chưa phân tích đồng thời các mối quan hệ giữa các yếu tố cấu thành sự thỏa mãn của người dân với các nhóm đặc điểm của người dân; chưa xem xét sự thay đổi cuộc sống của người dân, sự thay đổi giá đất sau khi thu hồi cũng như các yếu tố nội tại của người dân đến sự thỏa mãn khi Nhà nước thu hồi đất. Xuất phát từ thực tế nêu trên, nhằm góp phần tổng quát hóa cơ sở lý thuyết về sự thỏa mãn của người dân trong BT, HT khi Nhà nước thu hồi đất, xác định các yếu tố và đo lường mức độ thỏa mãn của người dân trong BT, HT khi Nhà nước thu hồi đất, để có cơ sở khuyến nghị sửa đổi chính sách, pháp luật về đất đai ở Việt Nam hiện nay, tác giả đã lựa chọn đề tài “Nghiên cứu sự thỏa mãn của người dân trong bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất” làm nội dung nghiên cứu cho luận án của mình.