CẢM NHẬN CỦA ANH/CHỊ VỀ NHÂN VẬT ÔNG LÁI ĐÒ TRONG Đ...

Câu 2. Cảm nhận của anh/chị về nhân vật ông lái đò trong đoạn trích. Từ đó bình luận ngắn gọn về suy nghĩ, tình cảm của nhà văn Nguyễn Tuân đối với con người lao động Việt Nam trong tùy bút Người lái đò sông Đà. a. Yêu cầu chung:

Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận văn học: Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề; thân bài triển khai được vấn đề; kết bài kết luận được vấn đề

Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Vẻ đẹp nhân vật ông lái đò; suy nghĩ, tình cảm của nhà văn Nguyễn Tuân đối với con người lao động Việt Nam.

Triển khai thành các luận điểm, thể hiện khả năng cảm nhận về nhân vật và có những lí lẽ, dẫn chứng xác đáng. b. Yêu cầu cụ thể: Thí sinh có thể làm theo nhiều cách nhưng cần đạt được các ý chính sau đây: * Giới thiệu tác giả, tác phẩm:

Nguyễn Tuân là nhà văn tiêu biểu của văn xuôi hiện đại Việt Nam.

Tuỳ bút Người lái đò sông Đà là tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Tuân sau Cách mạng tháng Tám 1945.

Nhân vật ông lái đò thể hiện rõ suy nghĩ, tình cảm của ông về con người lao động Việt Nam. * Cảm nhận về nhân vật ông lái đò trong đoạn trích.

Vẻ đẹp tài hoa, nghệ sĩ ở hình ảnh ông lái đò:

o

Ông lái đò được đặt trong tình huống thử thách đặc biệt: chiến đấu với thác dữ sông Đà, vượt qua ba trùng vi thạch trận bằng tài nghệ "tay lái ra hoa".

o

"nắm chắc binh pháp của thần sông thần đá"và ung dung chủ động trong hình ảnh "trên thác hiên ngang người lái đò sông Đà có tự do, vì người lái đò ấy đã nắm được cái quy luật tất yếu của dòng nước Sông Đà"

o

Rất nghệ sĩ trong hình ảnh "nắm chắc lấy cái bờm sóng đúng luồng, ông đò ghì cương lái, bám chắc lấy luồng nước đúng mà phóng nhanh vào cửa sinh..."; với lũ đá nơi ải nước, "đứa thì ông tránh mà rảo bơi chèo lên, đứa thì ông đè sấn lên mà chặt đôi ra để mở đường tiến", con thuyền trong sự điều khiển của ông lái: "như một mũi tên tre xuyên nhanh qua hơi nước, vừa xuyên vừa tự động lái được, lượn được."...

o

Việc đưa con thuyền tìm đúng luồng nước, vượt qua bao cạm bẫy của thạch trận sông Đà quả thực là một nghệ thuật cao cường từ một tay lái điêu luyện.

Vẻ đẹp trí dũng ở hình ảnh ông lái đò:

o

Một mình một thuyền, ông lái giao chiến với sóng thác dữ dội như một viên dũng tướng luôn bình tĩnh đối đầu với bao nguy hiểm: "ông lái đò cố nén vết thương...hai chân vẫn kẹp chặt lấy cuống lái..." , mặc dù "mặt méo bệch đi" vì những luồng sóng " đánh đòn âm, đánh đòn tỉa", "nhưng trên cái thuyền sáu bơi chèo, vẫn nghe tiếng chỉ huy ngắn gọn tỉnh táo của người cầm lái" ...

o

Đối mặt với thác dữ sông Đà, ông đò có một lòng dũng cảm vô song: "Cưỡi lên thác sông Đà, phải cưỡi đến cùng như là cưỡi hổ" ...

o

Ông lái đò khôn ngoan vượt qua mọi cạm bẫy của thác ghềnh, đưa con thuyền vượt thác an toàn khi " những luồng tử đã bỏ hết lại sau thuyền", còn lũ đá thì "thất vọng thua cái thuyền"... Cuộc đọ sức giữa con người với thiên nhiên thật ghê gớm, căng thẳng, đầy sáng tạo và con người đã chiến thắng.

o

Vẻ đẹp người lái đò Sông Đà là vẻ đẹp của người anh hùng lao động trong công cuộc dựng xây cuộc sống mới của đất nước.

Nghệ thuật xây dựng nhân vật: tạo tình huống đầy thử thách cho nhân vật; chú ý tô đậm nét tài hoa, nghệ sĩ; sử dụng ngôn ngữ phong phú, sáng tạo, tài hoa; kết hợp kể với tả nhuần nhuyễn và đặc sắc, bút pháp nghệ thuật so sánh, nhân hóa, liên tưởng độc đáo, thú vị; vận dụng tri thức của nhiều ngành văn hóa, nghệ thuật góp phần miêu tả cuộc chiến hào hùng và khẳng định vẻ đẹp tâm hồn nhân vật. * Bình luận về suy nghĩ, tình cảm của nhà văn Nguyễn Tuân đối với con người lao động Việt Nam trong tùy bút Người lái đò sông Đà:

Qua nhân vật ông lái đò, Nguyễn Tuân quan niệm, người lao động cũng là anh hùng, cũng là nghệ sĩ trong môi trường làm việc và trong công việc của mình khi họ dám đương đầu với thử thách và đạt tới trình độ điêu luyện trong công việc đồng thời cũng bày tỏ tình cảm yêu mến, trân trọng, tự hào về con người lao động

Suy nghĩ và tình cảm đúng đắn, giàu tính nhân văn, giàu tinh thần dân tộc, giàu tin yêu với con người và cuộc đời. Đó là sự thay đổi, trưởng thành lớn lao của Nguyễn Tuân so với giai đoạn trước Cách mạng. Nếu trước đây, ông thường khắc họa người anh hùng trong chiến đấu, người nghệ sĩ trong nghệ thuật và thuộc về quá khứ thì đến tác phẩm này ông tìm thấy anh hùng và nghệ sĩ ngay trong con người lao động thường ngày. Nguyễn Tuân còn khẳng định với chúng ta rằng chủ nghĩa anh hùng cách mạng đâu phải chỉ dành riêng cho cuộc chiến đấu chống ngoại xâm mà còn thể hiện sâu sắc trong việc xây dựng đất nước và chinh phục thiên nhiên. * Đánh giá:

Hình tượng người lái đò sông Đà trong đoạn trích là một con người bình dị mà phi thường được Nguyễn Tuân khắc hoạ như một biểu tượng đẹp của con người Việt Nam trong công cuộc xây dựng đất nước. Đó là một cách nhìn, một cách khám phá và khẳng định vẻ đẹp của con người Việt Nam trong thời đại mới. Ông lái đò chính là "thứ vàng mười đã qua thử lửa" của con người Tây Bắc.

Khẳng định rõ nét phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân cũng như sức sống lâu bền của tùy bút Người lái đò sông Đà trong lòng người đọc. Lưu ý chung của đáp án: 1. Đây là đáp án mở nên thang điểm chỉ nêu mức điểm của phần nội dung lớn nhất thiết phải có 2. Chỉ cho điểm tối đa đối với những bài viết đáp ứng được đầy đủ những yêu cầu đã nêu mỗi câu, đồng thời phải được triển khai chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, có cảm xúc 3. Khuyến khích những bài viết sáng tạo. Chấp nhận bài viết có những phần không giống đáp án nhưng phải có căn cứ xác đáng và lí lẽ thuyết phục 4. Không cho điểm cao đối với những bài chỉ nêu chung chung, sáo rỗng 5. Cần trừ điểm đối với những bài mắc lỗi về hành văn, ngữ pháp và chính tả